Tu Đức (Bài 2): Đức Khôn Ngoan

Có 4 luân đức chính: Khôn ngoan/ Công bằng/ Can đảm/ Tiết độ

I/ Bản chất đức khôn ngoan:
a. Định nghĩa: Khôn ngoan là một luân đức siêu nhiên giúp ta biết lựa chọn những phương thế thích hợp với mỗi hoàn cảnh để đạt được thành quả tốt đẹp, hướng ta tới hạnh phúc vĩnh cửu.

Theo giáo huấn của Giáo Hội, đức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn sự phán đoán của lương tâm / Người khôn ngoan quyết định và đặt hướng đi cho hành động của mình theo phán đoán này / Nhờ nhân đức này, ta áp dụng một cách không sai lầm những nguyên tắc luân lý vào những trường hợp riêng biệt và ta có thể vượt qua được những hồ nghi về điều thiện phải làm và điều ác phải tránh (GL số 1806)

b. Phân loại: Có 2 thứ khôn ngoan:

Khôn ngoan giả dối: Còn được gọi là khôn ngoan bất chính / là khi ta dùng những mánh lới, mưu mô quỷ quyệt và trá hình để đạt được mục đích trái với nguyên tắc đạo đức / Không bao giờ được dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt và cũng không bao giờ được dùng phương tiện tốt để đạt mục đích xấu / “Phương tiện biện minh cho mục đích”

=> Không dùng tiền ăn cắp để làm việc bác ái.

Khôn ngoan chân thật: Được chia ra 3 loại:

1/ Khôn ngoan tự nhiên: Theo phán đoán ngay thẳng của trí khôn và lẽ phải để đạt mục đích tự nhiên nào nơi trần gian.

2/ Khôn ngoan siêu nhiên: Không những theo phán đoán ngay thẳng mà còn được thần phú và hướng dẫn do chân lý đức tin / Nó chi phối cảm tình, điều khiển tư tưởng, ý chí và hành động của ta, quy hướng cuộc sống của ta về cùng Chúa.

3/ Khôn ngoan huyền nhiệm: Do Chúa Thánh Thần trực tiếp hướng dẫn, điều khiển linh hồn ta, bằng đức khôn ngoan, thần phú và hồng ân hỗ trợ / Ơn khôn ngoan này cao quý nhất trần gian.

II/ Thành phần của đức khôn ngoan: Thành phần cần thiết để kiện toàn đức khôn ngoan:

a. Suy nghĩ chính chắn: Người ta thường nói: một người lo bằng kho người làm / Để biết suy nghĩ chín chắn / cần sự hiểu biết sâu rộng / nhờ kinh nghiệm quá khứ, hiểu biết hiện tại, biết dự phòng tương lai.

1. Tưởng nhớ quá khứ: Những sự kiện lịch sử và kinh nghiệm của bản thân xảy ra trong quá khứ, cho dù thành công hay thất bại, cũng là bài học quý báu dạy ta biết khôn ngoan.

2. Hiểu biết hiện tại: Cần phải hiểu biết hoàn cảnh, tập quán, luật pháp xã hội địa phương nơi ta đang sống, đồng thời phải am tường nhân sự, địa vị, tâm lý, khuynh hướng của con người thời đại / mà ta đang có liên đới, để làm thế nào cho: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

3. Dự phòng tương lai: Cũng cần phải biết dự phòng, tiên liệu tương lai, sẽ thành công hay thất bại, được ủng hộ hay bị công kích, để có thể tìm phương thế đối phó, hay kịp thời sửa chữa, hoặc vui lòng đón nhận những thất bại / Để dù thất bại cũng trở thành bài học hữu ích cho ta / Vì thất bại là mẹ thành công!

b. Quyết định đúng mức: Để quyết định đúng mức, ngoài các điều trên đây, cần phải biết lý luận / bàn hỏi và quan sát.

1. Biết lý luận: Để biết lý luận vững chắc, cần có trí phán đoán lành mạnh / không bị thành kiến hay đam mê chi phối, không bị lòng hẹp hòi, thiển cận, nông cạn điều khiển.

2. Bàn hỏi: Cần có tâm hồn khiêm nhu, nhận ra sự hiểu biết hạn hẹp của mình, để luôn biết tìm hiểu luật pháp, bàn hỏi với các vị hữu trách, những người từng trải và các cộng sự viên liên hệ / sẵn sàng đón nhận chỉ dẫn khôn ngoan và ý kiến xây dựng của mọi người.

3. Thực thi trọn hảo: Để điều quyết định được thực thi trọn hảo, cần biết tích lũy nghị lực đầy đủ, chuẩn bị những phương thế cần thiết để chu toàn / Cũng cần đề cao cảnh giác với chính mình hay người khác / Nhất là thứ kẻ thù vô hình, luôn rình rập mọi sơ hở để tấn công ta.

III/ Phương thế tập luyện: Để luyện tập đức khôn ngoan, ta cần thực thi các phương thế sau đây:

a. Cầu xin Chúa: Đức khôn ngoan cần cho mọi người ở mọi chức vụ và mọi bậc sống / Chúng ta chỉ có được nó khi biết cầu xin Chúa, như Thánh Giacobê nói: trong anh em, ai thiếu đức khôn ngoan, hãy cầu xin Chúa, Người sẽ ban cho anh em (Giacob 1, 5).

b. Sống theo nguyên tắc: Kinh Thánh dạy rằng: căn bản của sự khôn ngoan là thực thi kỷ luật / chăm lo kỷ luật là mộ mến / Đã mộ mến là tuân giữ kỷ luật / mà tuân giữ kỷ luật là khôn ngoan (sách Kn 6, 18-21).

Nguyên tắc chính yếu của đức khôn ngoan là quy hướng mọi sự về cùng đích siêu nhiên / là vinh danh Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu / Do đó mỗi người tùy theo chức vụ và bậc sống, nên chọn một châm ngôn thích hợp, để hướng dẫn cuộc sống của mình hằng ngày.

Ví dụ: Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết / Chúa là gia nghiệp đời con.

c. Triệt căn nết xấu: linh hồn muốn tiến tới bậc nào trong đời sống thánh thiện, cũng cần phải triệt căn các nết xấu đối nghịch với đức khôn ngoan / chúng nằm trong 2 cực đoan:

* Thái quá:

1) Khôn ngoan bất chính: chỉ tìm thỏa mãn những ước muốn sai lầm mà không cần phân biệt tội hay phúc.

2) Khôn ngoan quỷ quyệt: chuyên dùng mánh lới trá hình bịp bợm, lừa dối để đạt mục đích phàm trần.

3) Lo lắng quá độ: quá lo lắng về của cải mà quên tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa.

4) Thành kiến đam mê: chúng làm cho ta mất quân bình và mất điềm tĩnh, khiến ta phán đoán thiên lệch, thiếu khách quan.

* Bất cập:

1) Nhẹ dạ, nông nổi: Kàm cho ta nông nổi, dễ tin, không chịu suy nghĩ, bàn hỏi. Chỉ mơ ước thành công, kết quả, mà không biết đề phòng và tiên liệu.

2) Do dự, chậm chạp: Làm cho ta không quyết định được điều gì hợp thời gian tính. Luôn lo lắng, băn khoăn, chậm chạp, do đó làm lỡ nhiều công việc cho mình và cho tha nhân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *