Tu Đức (Bài 3): Đức công bằng

I/ Bản chất đức công bằng:

Định nghĩa: Công bằn I/ Bản chất đức công bằng:g là một luân đức siêu nhiên, buộc ta phải trả lại cho tha nhân quyền lợi, danh dự, tài sản của họ; vì theo nguyên tắc thần học: “Của phải thuộc về chủ”.

Ở đâu có công bằng, ở đó có hòa bình, trật tự. Công bằng đòi hỏi mọi người phải tôn trọng quyền lợi, bảo vệ danh dự, duy trì tài sản lẫn cho nhau. Không ai được lường gạt, gian dối, tham lam, bất công hay làm thiệt hại cho tha nhân.

Theo giáo huấn của Giáo Hội, điều răn thứ 7 cấm lấy hoặc giữ của cải của tha nhân cách bất công, hoặc làm hại tài sản của họ bằng bất cứ cách nào (GL số 2401).

II/ Phân loại: có 2 loại:

1. Công bằng xã hội: Mọi người phải tôn trọng công ích hơn tư lợi, phải bảo vệ quyền lợi đoàn thể hơn tư nhân; duy trì trật tự xã hội hơn gia đình. Bởi vậy mọi người phải đóng góp công sức, tiền của, khả năng để bảo vệ và xây dựng công ích. Nếu cần, phải hy sinh tài sản và tính mạng vì công ích.

Chính phủ có quyền buộc công dân đóng thuế, công tác xã hội, đi nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Mỗi cộng đoàn tôn giáo, đoàn thể có quyền buộc các phần tử phải đóng góp cho công ích hay cho đoàn thể của mình.

Ngược lại, công dân có quyền đòi buộc chính phủ bảo đảm tính mạng, tài sản, quyền lợi và danh dự. Các phần tử trong tôn giáo cũng có quyền đòi đoàn thể lo cho mình những điều cần thiết.

2. Công bằng tư nhân: Mỗi người phải tôn trọng quyền tư hữu về tiền của và tài sản của tha nhân. Ngoài ra còn phải bảo vệ nhân vị, nhân phẩm, chức vụ, danh dự, tự do, tính mạng của người khác. Vì thế không ai được dùng uy quyền, cậy sức lực, cậy tiền của, dựa uy thế để lấn át kẻ khác, nhất là những người yếu kém, cô thân, cô thế, mồ côi, góa bụa.

III/ Thực thi đức công bằng: cần để ý 2 loại quyền :

1. Quyền lợi vật chất: Mỗi người phải tôn trọng quyền lợi vật chất của tha nhân, không gian lận, không chiếm đoạt tài sản của tha nhân cách trái phép.

Công nợ phải thanh toán sòng phẳng như đã giao kèo cách công bằng minh chính, không được ăn quỵt, hối lộ hay lấy lãi quá luật chung đã quy định.

Phải bồi thường khi làm hư hỏng hay bị thất lạc và phải hoàn lại vật đã ký thác hay vay mượn.

2. Quyền lợi tinh thần: Mỗi người phải bảo đảm quyền lợi tinh thần cho nhau.

Không kết tội tha nhân: Không ai được võ đoán kết tội người khác khi không có lý do chính đáng và có trách nhiệm đòi buộc. Người có nhiệm vụ lãnh đạo, giáo huấn và hướng dẫn người khác, cũng phải xét xử công minh, hiểu rõ đôi bên, và không có thiên kiến, ác cảm hay hối lộ, để xét xử bất công. Võ đoán là chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa, vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới có toàn quyền xét xử con người.

Ai võ đoán bất công, buộc phải đền trả, vì Chúa Yesus đã dạy: các con đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán (Mt 7, 1) “Các con xét đoán thế nào, sẽ bị xét đoán lại như vậy” (Mt 7,2).

Không nói xấu tha nhân: Dù điều lỗi của tha nhân còn kín hay đã trống, có thật hay còn hồ nghi, cũng không được nói cho người khác, dù cho ở nơi tư nhân hay nơi công cộng. Người bị nói xấu dĩ nhiên sẽ bị đau buồn, tức giận vì danh dự của mình bị tổn thương, uy tín bị giảm sút, bị bạn hữu lánh xa và còn chịu nhiều thiệt hại khác.

Không vu oan cho tha nhân: Vu oan là đổ lỗi cho kẻ khác khi họ không có. Tội bất công này phát sinh do tính ác cảm, ghen tỵ, lòng hẹp hòi. Đức công bằng buộc phải bồi thường danh dự, uy tín của người bị tổn thương do điều mình nói xấu, vu oan cho tha nhân.

Người phạm lỗi buộc phải xin nạn nhân tha thứ, phải sửa lại với kẻ đã nghe nếu đã làm mất thanh danh, hoặc vu oan cho tha nhân điều nặng nói chung trước nhiều người, thì buộc phải chữa lại nói chung để phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại.

Tốt hơn hết, ta hãy đoán ý ngay lành, nói điều hay, điều tốt cho tha nhân, chữa lỗi cho kẻ vắng mặt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *