Tu Đức (Bài 7): Đức Cậy

I/ Bản chất:

Đinh nghĩa: Đức cậy là một thần đức Chúa phú vào linh hồn làm cho ta hy vọng chắc chắn được Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu, và có được những phương thế cần thiết để đạt tới hạnh phúc đó.
Theo Giáo huấn của Giáo Hội: Đức cậy là một thần đức làm cho ta ao ước Nước Trời và sự sống vĩnh cửu làm hạnh phúc của ta. Tin tưởng vào những lời hứa của Chúa Yesus và không dựa vào sức mạnh của riêng mình, nhưng dựa vào sự trợ lực của ân sủng Chúa Thánh Thần (1817).

Bản năng tự nhiên của ta luôn khao khát hạnh phúc, mà đức tin dạy: Chỉ có Chúa mới là hạnh phúc thật và trường tồn của ta. Vì thế ta cần phải trông cậy, khao khát chiếm hữu được Chúa là Đấng gồm no đủ mọi thiện hảo, Đấng ta tha thiết yêu mến và nổ lực tìm kiếm.

– Đối tượng chính yếu của đức cậy: Là Thiên Chúa vì Ngài là hạnh phúc vĩnh cửu và cùng đích thánh thiện, làm cho mọi khát vọng chính đáng của ta được hoàn toàn mãn nguyện.

– Đối tượng tùy phụ: Là những phương thế cần thiết và hữu ích Chúa ban, giúp ta đạt tới đích thánh thiện như ơn thánh, sự trợ giúp thiêng liêng hay vật chất.

– Lý do: Đức cậy là chính công nghiệp Chúa Thánh Thần.

II/ Quan trọng và cần thiết:

Là phương thế rất quan trọng và cần thiết giúp ta đạt tới ơn cứu độ, làm cho lòng khao khát của ta được toại nguyện, và là sức mạnh giúp ta chiến thắng gian khổ để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu.

III/ Thực thi:

Để củng cố và tăng triển đức cậy, ta hãy năng suy gẫm để xác tín quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa, cần tránh những cực đoan.(thái quá hay là bất cập).

1. Trông cậy thái quá: Là cứ liều lĩnh nhắm mắt tin cậy, thế nào cũng được Chúa ban những điều mong muốn, mà không quan tâm dùng các phương thế thích hợp.

* Có ba chủ trương lầm lạc sau đây:

a. Tin càn: Cứ tin là được cứu độ, không cần gì nữa và như thế là họ an tâm. Thánh Giacobe nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”, có đức tin thôi chưa đủ, mà cần phải sống đức tin.

b. Tin liều: Không cần tránh những nguy hiểm vì có Chúa hỗ trợ, nhớ lời Chúa: “Ai liều mình trong nguy hiểm, sẽ chết trong nguy hiểm” (Kn 3, 27).

c. Tin bừa: Chúa nhân từ vô cùng, không nỡ phạt bao giờ, nên coi thường việc tuân giữ luật Chúa, tự do buông thả, Hãy luôn nhớ rằng: “Chúa nhân từ vô cùng nhưng cũng công bằng vô cùng”, Ngài sẽ thưởng phạt cân xứng với công và tội.

2. Trông cậy bất cập: Là chán nản thất vọng khi thấy mình yếu đuối, sa đi ngã lại. Nghĩ mình không đáng Chúa tha thứ, đâm ra chán nản, thất vọng hơn.

Thất vọng là một tội trọng, nên dù ta tội lỗi thế nào / nếu ta thật lòng sám hối, Chúa vẫn tha thứ. Vì thế ta phải luôn vững lòng trông cậy vào lòng nhân từ thương xót của Chúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *