Tu Đức (Bài 8): Đức Mến

I/ Khái niệm về tình yêu:

Định nghĩa: Tình yêu là một khuynh chiều hướng tới sự thiện, “Sự thiện khả giác” (thấy được) hay “linh thiêng”. Sự thiện bất chính hay chính đáng, sự thiện giả tạo hay chân thật, sự thiện tự nhiên hay siêu nhiên.
Tình yêu khả giác: Hướng tới sự thiện mắt thấy tai nghe, tay rờ mó và cảm nghiệm được bằng giác quan. Những cái đó làm trái tim ta rung động và cảm tình ưa thích. Đây là thứ tình yêu ở bậc thấp nhất, và chỉ xứng hợp cho loài có thể xác.

Tình yêu linh thiêng: Hướng tới sự thiện vô hình, không lệ thuộc giác quan, nhưng dựa vào trí khôn hiểu biết và ý chí quyết định, là tình yêu bậc cao. Nó hợp cho loài có hồn thiêng.

Tình yêu bất chính: Hướng tới sự thiện vô trật tự, bất hợp pháp, trái lương tri, phản lý trí, nghịch lẽ công bằng.

Tình yêu chính đáng: Hướng tới sự thiện chân thật, hợp lẽ phải, xứng lương tri, phù hợp với lẽ công bằng, hợp trật tự pháp định.

Tình yêu giả mạo: Hướng tới sự thiện hảo huyền, hào nhoáng mau qua, chóng tàn, và chỉ lệ thuộc những sự vật đời tạm này, không chút bền vững, nay còn mai mất. Đôi khi lại núp dưới lớp sơn giả tạo, và hình thức tốt đẹp lừa đảo.

Tình yêu chân thật: Hướng tới sự xác thực, chính đáng, không bôi bác lừa dối; không bịp bợm, nhưng luôn trung tín, vững bền.

Tình yêu tự nhiên: Hướng tới sự thiện tự nhiên, như tiền của, danh vọng, chức quyền, địa vị, hương sắc nơi trần gian.

Tình yêu siêu nhiên: Hướng tới sự siêu nhiên, cao cả, chân thật, trường tồn, dù mắt chưa hề xem, tai chưa hề nghe, lòng chưa hề cảm nghiệm, là các nhân đức, công nghiệp đời sau, và chính Thiên Chúa.

II/ Nguồn gốc tình yêu:

Thiên Chúa là tình yêu (1Jo 4, 16) nên Thiên Chúa là nguồn gốc phát sinh ra tình yêu. Tất cả mọi tình yêu không phát sinh bởi Chúa và không quy hướng về Ngài, hoặc trực tiếp hay gián tiếp, đều là bất chính, giả tạo, mau qua.

Do đó mọi thứ tình yêu đều phải được phát sinh bởi Chúa như nguồn gốc và phải quy hướng về Chúa như cùng đích, lại phải rập khuôn mẫu tình yêu cao cả của Chúa.

III/ Yêu sách của tình yêu:

Theo tâm lý, để tình yêu được mãn nguyện, cần phải đáp ứng được những yêu sách thích hợp và chính đáng sau đây:

1. Hiện diện bên nhau: Sự gần gũi bên cạnh người yêu là một đòi hỏi cần thiết. Nếu thiếu sự hiện diện này, sẽ gây cho người yêu sự buồn phiền, thao thức, nóng lòng, chờ mong.

2. Cảm thông chia sẻ: Tuy nhiên có sự hiện diện mà thiếu cảm thông, chia sẻ, chẳng những không đem lại niềm vui thỏa mà còn gây thêm khổ cực. Vì thế, cần phải tìm hiểu xem người yêu của mình cần những gì, để đáp ứng được đúng ước muốn, tâm tư, nỗi lòng của họ.

3. Nên giống nhau: Khi đã thật sự yêu nhau, tự nhiên muốn nên giống như nhau, bằng cách noi gương bắt chước tất cả những gì người yêu muốn.

Tâm đầu ý hợp: Tình yêu còn phải tiến cao tới chỗ nhất tâm thuận ý. Tức là cùng suy tưởng, cùng phán đoán, để tiến tới chỗ cùng hành động như nhau. Nếu thiếu nó, sự xung khắc, chia rẽ sẽ tới và tình yêu sẽ bị tan vỡ.

4. Hiệp nhất nên một: Để tình yêu được trọn vẹn, còn phải hợp nhất nên một, hòa tan và biến hóa nên nhau, để trở nên một tâm trí và một linh hồn.

5. Hy hiến cho nhau: Tột đỉnh của tình yêu là hy hiến cho nhau, là sẵn sàng chịu thiệt thòi, mất mát, hủy diệt.

IV/ Đối tượng của tình yêu:

Tình yêu bao giờ cũng hướng về một đối tượng. Tức là cái làm cho nó vui sướng, no thỏa và hạnh phúc, đó là Thiên Chúa và tha nhân.

1. Mến Chúa: Mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn (Mt 22, 37).

Theo Thánh Toma: Đức mến là một thần đức được Chúa phú vào linh hồn, nhờ đó ta mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Chúa.

Đây là điều răn trọng đại nhất.

Thực thi: Phải từ bỏ tội lỗi bằng sám hối / làm mọi việc đạo đức sốt sắng, nhiệt thành, tích cực.

2. Yêu người: Đây là điều răn quan trọng thứ hai / cũng là dấu hiệu và cũng là bằng chứng mến Chúa.

Các lý do yêu người, Vì:

“Có cùng một cha chung trên trời.

Cùng được hưởng ơn cứu độ.

Cùng một cộng đồng bác ái.

Cùng một sứ mạng tông đồ.”

Thực thi: Yêu thương trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

Tiêu cực: Tránh những gì có hại, không tốt cho nhau.

Tích cực: làm mọi sự tốt cho nhau, hiện diện bên nhau, phục vụ lẫn nhau, kính trọng nhau, lịch sự, hòa nhã, tìm hiểu nhau, chịu đựng, tha thứ, cộng tác với nhau, cảm thông chia sẻ, nên giống như nhau, tâm đầu ý hợp, hy hiến cho nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *