Cảm nhận về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Ngày thứ 2 vừa qua, tôi có dịp xem lại bộ phim: Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Dù đã xem trước đó đôi lần, bộ phim cho tôi thêm một sự tiếp cận mới lạ, tôi nhìn thấy một sự tái hiện sống động và chân thực về cuộc khổ nạn Chúa Giêsu. Đây là dịp để tôi nhìn lại và chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa, từ đó phần nào bồi dưỡng thêm cho đời sống thiêng liêng thêm phần vững mạnh. Từ những hình ảnh tôi được thấy trong phim, từ chính những băn khoăn trong đời sống đức tin của mình, tôi xin được viết đôi dòng cảm nhận của mình.

Cảm nhận về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

Suốt một tiến trình từ khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất và tạo dựng con người, Thiên Chúa thể hiện tình yêu với con người từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã yêu con người vô cùng tận và hơn hẳn những thụ tạo của Người. Dù là thụ tạo, Thiên Chúa đã không coi con người như thụ tạo khác, Người đã coi con người như là bạn hữu, và đã sắp xếp một hành trình huấn luyện đức tin cũng như tuôn đổ hồng ân cứu độ cho con người. Có lẽ, đỉnh điểm phản ánh tình yêu của Thiên Chúa không đâu xa chính là cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã luôn cầu nguyện trên con đường Thập Giá của Người. Dù có đôi lúc Người có nỗi sợ và sự dao động về những gì sắp diễn ra đến đổ cả mồ hôi máu. Tuy nhiên với tình yêu với con dân của mình cùng sự vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, trong một hành trình dài từ khi bị bắt cho tới khi hoàn tất mọi sự, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện để không chọn lựa theo ý riêng: “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén này cho Con, Nhưng xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha” (Mt 26:39). Hay như cách Người cầu nguyện cho chính con cái Người: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34) khi bị treo trên Thập Giá. Điều đó cho thấy rằng, Chúa Giêsu cũng từng lo sợ đó chứ, cũng từng xao xuyến phân vân đó chứ, nhưng vì tình yêu với người mình yêu, Ngài đã chấp nhận tất cả.

Chúa Giêsu đã không chỉ chọn cái chết, Ngài còn chọn một cái chết đau đớn, khổ nhục, tức tưởi trên Thập Giá. Có lẽ có nhiều người sẽ hỏi rằng, là một Thiên Chúa, có tất cả vinh quang, quyền bính, sự hạnh phúc, sao Người lại chọn việc hạ sinh trong một gia đình nghèo, sống một cuộc đời bình thường và chết trên cây Thập Tự đầy tủi nhục và đau khổ. Một số người khác lạc quan hơn thì cho rằng, Chúa Giêsu vẫn có thể chết, nhưng sao Ngài không chọn một cái chết nhẹ nhàng hơn. Riêng với tôi, cái chết của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm đầy tình yêu, lòng thương xót và tính nhân bản. Tôi ngẫm nghĩ lại cách mà người Do Thái xưa làm lễ hiến tế, Kinh Thánh có ghi lại rằng, dân Do Thái xưa mỗi lần làm lễ hiến tế thì lấy máu con chiên rảy lên bàn thờ. Nhưng chỉ có giao ước của Chúa Giêsu mới là giao ước vĩnh cửu, Người đã dùng chính máu của mình – máu Con Một Thiên Chúa để hiến tế và thiết lập một giao ước vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu đã chọn một cái chết khó khăn hơn, đau đớn hơn vì tình yêu vô bờ bến với nhân loại.

Tôi đã nhìn thấy gì nơi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, tôi vẫn thường chiêm niệm về cái chết của Người, không chỉ trong mùa Chay, tuần Thánh, đôi khi còn trong ngày thường, mỗi khi thiếu sót, thất bại, đau khổ, tội lỗi, hay bị phản bội… Có một ai đó đã nói: “Cách để chứng minh chén nước mà mình đưa cho người khác không có thuốc độc chính là trước khi đưa cho người đó uống, mình sẽ uống nó trước”. Chúa Giêsu đã uống nó trước qua cuộc khổ nạn của mình, để chứng minh rằng, vượt qua đau khổ chính là tình yêu và hạnh phúc. Mỗi lần đau khổ, tôi lại nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô, nơi có một người từng đau khổ hơn tôi rất nhiều. Mỗi lần tội lỗi, tôi cũng lại nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô, vì nơi đó cho tôi đường Hy Vọng để trở về, để làm lại và để bắt đầu. Mỗi lần nhìn lên Thập Giá, tôi tìm thấy sự bình an, tôi lại yêu mến Chúa hơn, sẽ không còn là những giờ tham dự lễ vì lề luật, mỗi lần đến nhà thờ giờ đây là mỗi lần tôi gặp gỡ người bạn Giêsu của mình. Và mỗi lần nhìn lên Thập Giá, tôi dặn mình dù thế nào, luôn phải cố gắng giữ lấy lời cầu nguyện, như là ngọn đèn hải đăng giữa biển đời mênh mông, như là chiếc phao bám víu mỗi khi thuyền chìm sóng vỗ.  Và rồi trong những yếu đuối, thất vọng của chính bản thân mình, nơi thập giá Đức Ki-tô, tôi lại nghe thấy tiếng nói văng vẳng giữa lồng ngực: “Con ơi hãy can đảm lên. Đừng sợ”. 

Cảm nhận về nỗi đau của Đức Maria

Hình ảnh người Mẹ Maria nơi chân Thập Giá cũng khiến cho tôi suy tư không ít lần. Điều mà tôi hay bạn có thể nhìn ra ngày trong đời sống tuổi thơ của mình, có lẽ không người mẹ nào cảm thấy xót xa khi đứa con của của dẵm phải gai, bị xây xước nhẹ hoặc bị cảm ốm. Vậy mà đức Maria đã chứng kiến tất cả, nhìn người ta tra tấn con mình, rồi lại chứng kiến người ta hành hình con trai mình. Tôi vẫn thường hay dùng lời này nói với chính tôi và cũng như người bạn đang gặp khó khăn của mình: “Không có nỗi đau nào nơi trần thế này lớn hơn nỗi đau của Đức Maria khi nhìn chính đứa con mình mang nặng đẻ đau, đứt ruột đẻ ra, nuôi lớn thành hình thành hài nhưng lại bị người ta tra tấn, hành hình cách từ từ để rồi chết trên Thập Giá. Vì vậy hãy luôn cố gắng và kiên vững”. Cuộc đời mẹ Maria như là tấm gương sáng về sự thinh lặng và cầu nguyện ngay cả khi đối mặt với nỗi đau tột cùng.

Cảm nhận về hai tông đồ Phêrô và Giu-đa

Phêrô chối Chúa ba lần, còn Giuđa bán Chúa một lần. Phêrô sau đó chọn sám hối và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội, một trong những người quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử nhân loại, trên thiên đàng, ông còn là người cầm chìa khoá nước Trời. Còn Giuđa thì ngược lại, ông chọn cách tuyệt vọng và sau cùng là tự tử. Có lẽ việc Giuđa có được lên Thiên Đàng hay không? Chuyện đó giờ này chỉ có Thiên Chúa mới biết, tôi cũng không dám phán xét điều đó. Nhưng có một điều rõ ràng hơn, tôi biết rõ, Phêrô dù phạm tội, nhưng cuối cùng vẫn tin tưởng vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Có lẽ không phải chỉ tôi, sẽ có nhiều người khác cũng từng tự ti, mặc cảm về tội lỗi của mình đã phạm, tuy nhiên lựa chọn như Phêrô, sám hối, quay về và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời hơn rất nhiều. Chúa Giêsu đã đúng khi nói rằng: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16), Phêrô ngày ấy tuy không bằng được như Thầy Giêsu của mình – dám chết vì người mình yêu (đối với Phêrô người mình yêu là Đức Giêsu) nhưng rồi sau biến cố đó, ông đã dám sống vì người mình yêu. Nếu có một ai đó hỏi tôi rằng: “Bạn có dám chết vì người mình yêu như Chúa Giêsu không?”. Thú thật tôi cũng không dám trả lời. Nhưng có một điều tôi đã học được nơi Phêrô, tôi dám sống vì người mình yêu và tôi cầu nguyện để tôi được sống vì người mình yêu.

Mỗi lần suy nghĩ về cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, tôi có nhiều hình dung, nhiều cảm nhận. Nhưng có thể, tôi chưa hệ thống để ghi chép lại được và có nhiều điều tôi cần trải nghiệm nhiều hơn trong cả đời sống lẫn đức tin của mình để hiểu hơn về mầu nhiệm tuyệt vời này. Mỗi năm cũng khoảng thời gian này, mỗi người Công giáo như tôi lại được lần nữa chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa và sự Phục sinh của Người, cũng là dịp để tôi nhắc nhở bản thân mình cần phải cải thiện đời sống Đức Tin mình hơn nữa.

Con không có nhớ có một Linh Mục nói với con chính xác từng từ từng chữ nhưng đại ý thế này: “Kitô hữu là một tội nhân được Chúa yêu thương và mời gọi trở nên bạn hữu”. Lạy Chúa, con là một tội nhân chính hiệu, vì tội lỗi của con mà Chúa đã gánh vác Thập Giá, chịu chết đổ máu để đền tội, cứu chuộc những vấp ngã và sai lầm của con. Xin Chúa cho con, mỗi lần chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Người, con thêm yêu Chúa, can đảm trước những khổ đau trong cuộc sống trần thế.  Xin cho con như Mẹ Maria biết thinh lặng và cậy trông, như thánh Phêrô biết quay về và làm lại. Xin Chúa giữ lấy con trong cuộc sống nhiều thay đổi và bấp bênh này. Amen.

 

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2023

Xin lưu lại như một kỉ niệm về một dấu ấn trong đời sống Đức Tin của mình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *